Hàm lượng lân trong cây: lân trong phần lớn cây trồng có nồng độ 0,1 – 0,4 %, thấp hơn nhiều so với đạm và kali. Cây trồng hấp thu lân ở hai dạng ion orthophosphate H2PO4- và HPO42-, sự hấp thu HPO42- lớn nhất ở pH thấp và H2PO4- ở pH cao hơn, ngoài hai dạng  orthophosphate cây trồng cũng có thể hấp thụ một dạng lân hữu cơ hòa tan nhất định. Do tính không bền của các hợp chất lân hữu cơ khi có sự hiện diện của vi sinh vật  hoạt động nên tầm quan trọng của chúng đối với sự sinh trưởng của cây trồng bị giới hạn.

Chu trình P (Wiki)


Chức năng của lân trong cây: chức năng quan trọng nhất của lân trong cây là dự trữ và vận chuyển năng lượng. Adenosine diphosphate (ADP) và adenosine triphosphate (ATP) có tác dụng như một dòng chảy năng lượng bên trong cây. Khi phân tử phosphate cuối cùng bị tách ra từ ADP hay ATP một năng lượng tương đối lớn được giải phóng (12000 cal/mol). Năng lượng được nhận từ quang hợp và sự trao đổi chất các carbohydrates được dự trữ trong các hợp chất P để sau đó được sử dụng trong các quá trình sinh trưởng và phát triển. 

Quá trình cho hay vận chuyển các phân tử P giàu năng lượng từ ATP đến các cơ quan cần năng lượng trong cây gọi là quá trình phosphoryl hóa, trong phản ứng này ATP chuyển hóa ngược thành ADP. Các hợp chất ADP và ATP được hình thành và chuyển hóa liên tục khi có đầy đủ lân.

ATP là nguồn năng lượng kiểm soát các tiến trình sinh học cần năng lượng trong cây. Hầu hết mỗi phản ứng trao đổi chất của bất cứ tiến trình nào cũng đều bắt nguồn từ lân. Cung cấp đầy đủ và sớm lân cho cây trồng là rất quan trọng trong sự sinh trưởng của cây. Phần lớn lân được tìm thấy trong hạt và quả, và lân được xem là rất cần thiết trong sự hình thành hạt. Khi được cung cấp đầy đủ lân luôn làm gia tăng sự sinh trưởng của rễ. Các hợp chất lân được bón theo hàng, rễ cây sẽ phát triển nhanh và lan rộng khắp diện tích được bón phân, những quan sát tương tự cũng được thực hiện với hai thí nghiệm bón NO3- và NH4+ theo hàng gần rễ. Ảnh hưởng khác đến sự sinh trưởng cây trồng khi bón lân làm cây trồng chín sớm hơn, đặc biệt là cây lấy hạt.

Cung cấp lân đầy đủ làm cho rơm rạ cây ngũ cốc cứng hơn. Chất lượng một số loại rau quả, hạt, cỏ được cải thiện và gia tăng sức chống chịu bệnh khi các cây có dinh dưỡng đầy đủ. Ảnh hưởng của lân đến sự gia tăng tính chống chịu của các cây ngũ cốc đối với bệnh thối rễ rất có giá trị. Tương tự nguy cơ bị hủy hoại trong mùa đông đối với cây ngũ cốc có thể giảm đáng kể bằng cách bón lân, đặc biệt là đất có hàm lượng lân thấp và trong các điều kiện bất lợi cho sự sinh trưởng khác.

Sự di chuyển của lân trong cây: khi xảy ra sự thiếu lân, thì lân sẽ chuyển từ các mô già đến các vùng sinh trưởng đang hoạt động. do ảnh hưởng rất lớn của sự thiếu lân đến sự ngưng trệ của tất cả các giai đoạn sinh trưởng nên các triệu chứng xuất  hiện trên lá như đối với đạm và kali ít khi được quan sát thấy đối với lân. Trong cây bắp và một số cây họ hòa thảo khác các triệu chứng thiếu lân cũng được biểu hiện bởi sự đổi màu đỏ tía của lá hay rìa lá.